Yêu
Trẻ con và người lớn
Trẻ con cứ tưởng mình đã mà lớn lên rồi thì không bị người lớn quản thúc nữa. Còn người lớn thì lại ước mình có thể nhỏ lại để được làm trẻ con thêm một lần nữa.
Trẻ con làm người lớn rồi mới biết hoá ra lớn lên không còn được vô tư như trẻ con nữa, lúc nào phải lo lắng, vướng bận bởi những suy nghĩ phức tạp. Cũng chẳng được tự do làm mọi thứ theo ý riêng của mình như trẻ con nghĩ, lại bị ràng buộc bởi những trách nhiệm ngày một lớn thêm theo thời gian. Và thế là trẻ con cứ cố gắng bắt chước người lớn còn người lớn lại cố gắng bắt chước trẻ con. Cuối cùng thì trẻ con vẫn là trẻ con, người lớn vẫn là người lớn.
Trẻ con thì mong làm người lớn, còn người lớn lại muốn được là trẻ con…
- Là trẻ con khóc cười theo ý thích, cười rạng rỡ khi mừng vui và dỗi hờn thì khóc oà lên. Trẻ con chẳng sợ và cũng chẳng ngại khi bày tỏ cảm xúc của bản thân. Có thể chạy tới ôm một người hay đặt một chiếc hôn ướt lên má một người, có thể nhăn nhó khi không hài lòng.
Trẻ con thành thật với cảm xúc và không quan tâm tới việc có người khác nghĩ gì. Còn người lớn, có thể họ sẽ cười khi họ đau đớn tột độ và họ khóc khi họ thấy mừng vui. Người lớn sợ những ánh mắt nhìn họ khi họ bộc lộ cảm xúc thật của bản thân - người lớn hoài nghi… Ngoài những ánh mắt cảm thông chân thành, người lớn còn nhìn nhau bằng đôi mắt chế nhạo, cười cợt, đôi khi cả khinh bỉ nữa. Người lớn thương trẻ con nhiều hơn trẻ con thương người lớn, nhưng chỉ có trẻ con để cho người lớn nghe thấy, nhìn thấy, chạm vào được tình cảm của trẻ con… còn trẻ con thì không biết người lớn cất những gì trong lòng.
- Là trẻ con, luôn có trong mình một niềm tin vô cùng mãnh liệt nhưng cũng vô cùng khờ khạo về một điều gì đó kì diệu, ngọt ngào. Trẻ con tin vào cái “ngày xửa, ngày xưa” trong truyện cổ tích, tin vào ông bụt bà tiên, một niềm tin ngây thơ, trong suốt. Còn là người lớn - người lớn không tin vào bất kỳ điều thần kỳ nào nữa. Người lớn nhìn nhận thế giới với cả mặt bên kia sần ráp, méo mó, xám ngắt, cay đắng nữa. Người lớn bắt đầu nghi ngờ rất nhiều về những giá trị thiêng liêng mà họ đặt ra. Người lớn đôi khi nghi ngờ chính bản thân họ. Người lớn tất nhiên không bao giờ tin vào truyện cổ tích - thế mà lạ, người lớn lại cứ kể cho trẻ con nghe truyện cổ tích… hay là tận sâu trong tâm hồn người lớn - người lớn cũng thèm khát một niềm tin trong trẻo như của trẻ con?
- Là trẻ con, cuộc sống thật sự rất đơn giản. Trẻ con không đặt ra những định nghĩa về tình yêu, tình bạn, hạnh phúc, thành công… Trẻ con thấy người cùng chơi một món đồ chơi với mình là người bạn tốt. Trẻ con nghĩ người chia kẹo với mình là người thương mình thật lòng. Trẻ con không bao giờ hỏi “tôi có hạnh phúc hay không?”. Trẻ con chỉ sống, vui cười trong từng khoảnh khắc, từng giây phút mà không lo nghĩ gì. Người lớn lại khác. Người lớn bắt đầu hỏi rất nhiều những câu hỏi mà họ không thể nào trả lời một cách chính xác được. Người lớn hỏi nhau “bạn có phải bạn thật sự của tôi không?”. Người lớn hỏi nhau “tình yêu của chúng ta có màu gì, nó là thứ gì thế? thế nào mới là yêu thật lòng?”. Người lớn tự hỏi chính mình “tôi có gì? Tôi còn gì? được gì? mất gì? Và tôi có hạnh phúc hay không?”. Người lớn đặt ra rất nhiều định nghĩa, để rồi họ cũng không nhận ra những giá trị đích thực giữa những định nghĩa ngổn ngang ấy nữa.
- Là trẻ con, chúng học những gì người lớn bảo là đúng. Trẻ con làm những gì người lớn thấy là tốt. Còn người lớn - họ biết đúng mà vẫn không làm. Người lớn biết sai mà vẫn làm. Người lớn biết là tốt nhưng thường hay e ngại điều gì đó mà bỏ lỡ. Người lớn biết là tệ - người lớn vẫn để mọi việc tồi tệ y như cũ vì họ bảo nhau rằng đó là quy luật hay họ thấy mình bất lực, họ học cách chấp nhận điều tồi tệ đó rồi dần quen với nó. Những điều tốt đẹp, giáo lý họ đặt ra cho trẻ con thì chính người lớn lại thấy nó xa xỉ, hão huyền.
- Là trẻ con, trẻ con mơ ước những điều điên rồ nhất. Đồng thời ước mơ đó cũng mãnh liệt nhất. Trẻ con ngây dại không ngại ngùng với ước mơ của chúng. Trẻ con lấy đó làm mục tiêu, trẻ con gắng sức vì những điều điên rồ ấy… đôi khi là vô vọng, trẻ con vẫn làm thế. Là người lớn rồi - những ước mơ, ý thích sẽ được hỏi lại với câu hỏi khả năng thành công là bao nhiêu phần trăm. Ước mơ của người lớn thường lớn lắm, lớn hơn của trẻ con rất nhiều nhưng có khi ước mơ ấy lại không cháy bỏng như của trẻ con đâu. Người lớn cuốn vào vòng tính toán và ước mơ cũng mờ nhạt theo các con số.
- Trẻ con hỏi khi trẻ con cần câu trả lời. Trẻ con thường có những câu hỏi cũng như câu trả lời rất kì cục trong mắt người lớn. Trẻ con lý giải mọi điều trên thế giới theo một cách riêng biệt - một cách mà trẻ con yêu thích. Người lớn cũng hỏi và cũng trả lời. Thường thì câu hỏi của người lớn lại chính là câu trả lời, người lớn dường như vô vọng trong mớ bòng bong hỏi đáp của họ. Họ hỏi những cái không cần biết quá rõ và họ trả lời những cái vốn dĩ nó đã như thế.
Trẻ con tưởng người lớn hạnh phúc hơn mình. Trẻ con không biết rằng người lớn phải chăm lo cho trẻ con, người lớn phải chịu đựng sự mâu thuẫn trong chính con người họ. Người lớn còn lo lắng về tương lai quá nhiều, nuối tiếc ở quá khứ không ít. Trẻ con chỉ biết sống từng ngày vui vẻ trong vòng tay của người lớn. Trẻ con thì lớn lên từng ngày, người lớn thì già nua đi… Trẻ con dần trở nên phức tạp giống hệt người lớn bây giờ, người lớn trải qua nhiều thăng trầm, buồn vui và đau khổ cuối cùng thì người lớn lại trở về với thái độ điềm tĩnh, thành thật với chính mình của trẻ con ngày xưa.
Trẻ con ngày càng hiểu hơn về nỗi đau, người lớn ngày càng rõ ràng hơn về niềm vui sướng. Chỉ có một số rất ít những người - họ lớn lên - họ trưởng thành với trách nhiệm của bản thân nhưng vẫn giữ trọn vẹn được niềm tin và trái tim của trẻ thơ trong tâm hồn. Vì thế họ không cần đợi tháng năm qua đi mới khiến họ trở về thời bình yên khi đã ở tuổi già. Mà họ luôn luôn sống rất thật với chính họ. Họ cháy hết mình trong khao khát. Họ vững vàng là những người lớn thực thụ, che chở cho người khác nhưng họ mơ ước, yêu thương và hạnh phúc bằng sự trong trẻo của trẻ thơ.
Nghệ thuật sống là giữ cho tâm hồn trẻ trung mãi cùng năm tháng…
0 nhận xét